Thứ 6 Rực Rỡ Cùng CEO Trịnh Chí Cường - Tích Trần Hưng Đạo
“Dân ta phải biết sử ta”, “luận cổ suy kim”; Cường hi vọng có thể chia sẻ chút ít những tích truyện này để mỗi chúng ta suy ngẫm, rồi hiểu, rồi yêu, rồi giúp nhau để cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Chúc cả nhà Thứ Sáu Rực Rỡ nha, tuần này trở đi Cường sẽ chia sẻ các tích truyện của Hưng Đạo Vương để chúng ta có thể suy ngẫm học tập từ Ngài, luận cổ suy kim, chúng ta sẽ áp dụng vào cuộc sống của chúng ta những bài học của cổ nhân để lại cho ta qua các tích truyện này, và từ đó chúng ta sống tốt hơn cho mình, sống tốt hơn cho gia đình, bạn bè và những người xung quanh; và sống có ích hơn cho xã hội và cho Trái Đất tươi đẹp của chúng ta!
QUỐC TUẤN VÀ QUANG KHẢI TẮM CHUNG
Trong lịch sử nhà Trần, cùng với Hưng Đạo vương Quốc Tuấn thì Chiêu Minh vương Quang Khải là 2 vị tông thất thuộc hàng nổi bậc nhất của hoàng triều này. Đương thời, người có thể so bì với Hưng Đạo về văn võ, dũng lược, xuất thân và địa vị chỉ có một mình Chiêu Minh mà thôi.
Chiêu Minh vương Quang Khải là con thứ của Thái Tông hoàng đế Cảnh, là em ruột của Thánh Tông hoàng đế Hoảng, mẹ sinh là Hiến Từ Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị, so về xuất thân là hàng đích xuất hoàng tử. Còn Hưng Đạo vương Quốc Tuấn là con trai thứ của Khâm Minh An Sinh đại vương Liễu, mà Khâm Minh lại là con trưởng của Thái Tổ hoàng đế Thừa và là anh trưởng của Thái Tông, về thân thế thì ông là dòng trưởng trong hoàng tộc.
Do hiềm khích năm Đinh Dậu [1237], đến khi trưởng thành thì Quốc Tuấn và Quang Khải cũng không ưa nhau, nhiều việc trở nên nghi kị nhau. Như có lần, Quang Khải phải đi cùng Thánh Tông khỏi kinh sư, gặp sứ thần phương Bắc tới, không có ai chủ trì, Thái Tông định hỏi Quốc Tuấn thay vào, thì Quốc Tuấn trả lời dè chừng, không muốn đả động đến Quang Khải.
Thế nhưng vào một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại gặp Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải: “Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”.
Nói rồi, ông cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”.
Quang Khải cũng đùa vui, nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập Hoàng đế, hai ông đứng hàng đầu, một người là Thượng tướng Thái sư, một người là Quốc công Tiết chế, đều ảnh hưởng lẫn nhau.
Luận Cổ Suy Kim (Bài Học từ Cổ Nhân cho chúng ta)
Câu hỏi để suy ngẫm:
1. Chúng ta có thể vượt qua những cảm xúc yêu ghét của cá nhân, để có thể chỉ tập trung vào lợi ích của tổ chức mà có thể làm bạn với những người mà chúng ta đã có hiềm khích, định kiến?
2. Đôi khi cái mà chúng ta gọi là hiềm khích, yêu ghét nó đôi khi chỉ là một sự kiện, một vài sự cố xảy ra, hoặc chỉ là một sự suy diễn, tự diễn tiến trong đầu của chúng ta hay không? Những thứ đó, có thực sự đáng để ảnh hưởng đến tương lai kế tiếp của chính chúng ta hay không?
3. Bạn đã có bao giờ có từng như vậy chưa: “người bạn cho rằng là kẻ thù, người đáng ghét, đối thủ, kẻ thù, người bên kia chiến tuyến, v.v… nhưng sao đó trở thành những người bạn đồng chí, đồng hành, thân thiết và là nơi giải bày những trăn trở, cùng đồng tâm hiệp lực để cùng nhau vượt qua những khó khan thực tế. Cường đã từng có rất nhiều lần trong cuộc đời mình đã đánh giá sai chỉ đơn thuần do sự tự tưởng tượng, định kiến, nhìn mặt bắt hình dong, v.v… nhưng sau đó thì sự thật hoàn toàn khác, khi trả về đúng bản chất của nó, người mà Cường cho rằng là đối thủ lại thật ra là người bạn, người mình cho rằng đồng hành với mình lại trở thành những người đi ngược lại lợi ích chung của tập thể mà chỉ muốn dành hết về cho bản thân. Chắc chắn bạn đã có những lần như vậy rồi, vì Cường gần như xảy ra suốt; nên hiện tại Cường nhận thức rằng mình không thể xóa bỏ những tư duy, tư tưởng, định kiến, diễn tiến trong đầu; Cường nhìn nhận nhưng sẽ để đó, rồi tương tác với tất cả mọi người một cách công bằng, công tâm mà không bị ảnh hưởng bởi định kiến trước đó, vì mình sẽ không biết được điều đó đúng đến đâu cho đến khi chúng ta thực sự tương tác với nhau, cùng nhau làm một cái gì đó, cách cùng nhau giải quyết việc khi có mâu thuẫn lợi ích, cách chúng ta cùng nhau tin tưởng để rồi kết quả của sự tin tưởng đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về một con người. Nên hãy cởi mở, chấp nhận & nhận thức về sự định kiến, cho nhau sự tôn trọng chung, sự tin tưởng nhất định để chúng ta cho nhau cơ hội để thực sự hiểu được bản chất của những con người xung quanh chúng ta; biết đâu một lúc nào đó, xung quanh bạn, những người tưởng chừng là kẻ thù lại giúp cho bạn nhiều hơn rất nhiều so với những người chúng ta cho rằng có sự cảm mến ban đầu. Vì chỉ có hoạn nạn mới thấy chân tình, có mâu thuẫn lợi ích mới thấy được lòng người.
4. Bạn sẽ đặt lợi ích cá nhân hay lợi ích của cả tổ chức, đội nhóm của mình lên cao hơn? Bạn có gác cái tôi, cái bản ngã của mình qua một bên để có thể hoàn thành sứ mệnh chung của tổ chức hay đội nhóm mình chưa? Bạn đã tách biệt cái tôi, cái mình của ta ra khỏi tổ chức hay chưa? Hay vì bạn làm chủ nên bạn nghĩ lợi ích công ty chính là lợi ích cá nhân mình? Bạn là chồng hay làm vợ trong một gia đình nên bạn nghĩ rằng lợi ích của gia đình chính là hạnh phúc cá nhân của mình? Bạn có bao giờ nghĩ đến rằng đôi khi bạn áp đặt lợi ích của mình lên cả trách nhiệm của người khác không, ví dụ như con mình? Vì bạn không làm được trong cuộc sống của mình, bạn áp đặt ước mơ của mình lên con mình? Ở phần này, Cường chỉ gợi một số câu hỏi để hi vọng mỗi chúng ta đều suy ngẫm thật nhiều về những việc xoay quanh chúng ta, đôi khi là quay lại vào trong bản ngã của mình, hỏi lại mình đã làm một việc gì đó, yêu ghét ai đó, nói chuyện hay tránh xa ai đó là vì cảm xúc của chúng ta, hay vì lợi ích lớn hơn của tổ chức, của chung (tổ chức có thể chỉ đơn giản là gia đình, là họ hàng, gia tộc, là nhóm bạn thân, là các câu lạc bộ thiện nguyện, là nhóm đồng nghiệp, v.v… chứ không nhất thiết là tổ chức kinh tế như công ty).
Chúc cả nhà Thứ Sáu Rực Rỡ, “dân ta phải biết sử ta”, “luận cổ suy kim”; Cường hi vọng có thể chia sẻ chút ít những tích truyện này để mỗi chúng ta suy ngẫm, rồi hiểu, rồi yêu, rồi giúp nhau để cuộc sống ngày càng tốt hơn.